Đời Sống Xã Hội
Dù bị siết chặt nhưng dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn “rộn ràng”
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam siết chặt dịch vụ đổi tiền lẻ và không in mới tiền mệnh giá nhỏ nhưng từ “chợ đen” đến chợ “mạng”, dịch vụ này vẫn tấp nập. Nguồn tiền lẻ vẫn luôn dồi dào để phục vụ “thượng đế”.
Đổi 1 triệu có ngay 150.000 đồng hoa hồng
Mặc dù còn hơn 1 tháng mới đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nhưng chị Nguyễn Thị Thúy (33 tuổi, ở La Khê, Hà Đông, Hà Nội) đã rục rịch tìm nơi đổi tiền mới, tiền lẻ để “chơi” Tết. Chị Thúy cho biết: “Đổi tiền mệnh giá từ 50.000 đồng và 100.000 đồng thì dễ, chứ muốn lấy tiền 1.000 đồng hay 2.000 đồng hơi khó, mà mức phí rất cao. Tôi cứ đổi 1 triệu đồng là mất 200.000 đồng tiền phí. Có thể do năm nay Ngân hàng Nhà nước không phát hành tiền lẻ nên mức phí mới lên đến 30%. Tuy nhiên, tiền mệnh giá lớn như 100.000 đồng, hay 200.000 đồng thì phí thấp hơn. Cứ 1 “ăn” 20% hoặc 10% (tức 1 triệu đồng mất phí 200.000 đồng, hoặc 100.000 đồng – PV).
Theo thông tin chị Thúy cung cấp, chúng tôi liên hệ dịch vụ đổi tiền với anh K.Q (ở phố Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Với dòng thông tin đổi tiền lẻ, tiền mới, anh K.Q khẳng định; mặc dù ở Hà Nội nhưng anh nhận đổi lẻ và đổi sỉ (số lượng lớn – PV) trên toàn quốc.
Mức phí cũng rất chênh lệch, dao động từ 4 – 15%.
Dịch vụ đổi tiền lẻ tấp nập từ chợ mạng đến trực tiếp. Ảnh: TL
Anh K.Q tiết lộ: “Tôi nhận đổi sỉ từ 30 triệu đồng các loại mệnh giá và mức hoa hồng chênh lệch giữa sỉ và lẻ khoảng 0,5%. Ví dụ tiền 10.000 đồng; nếu đổi lẻ thì phí là 4% (40.000 đồng phí/1 triệu đồng – PV); giá đổi sỉ là 35.000 đồng/1 triệu đồng. Nếu khách ở Hà Nội, tôi chuyển đến tận nơi, nhưng khách ở tỉnh thì tôi gửi bưu điện; phí gửi là 40.000 đồng/đơn và tôi chỉ gửi đơn dưới 2,5 triệu đồng”.
Anh K.Q cho biết, mức phí hoa hồng đổi tiền mới, tiền lẻ của anh là rẻ và chấp nhận được. Đổi tiền mệnh giá 2.000 đồng và 5.000 đồng, phí hoa hồng là 5%; tiền 50.000 đồng, phí hoa hồng 5,5%; tiền mệnh giá thấp như 1.000 đồng, hoa hồng 15%. Tuy nhiên, nếu mua theo bó thì phí chỉ còn 12% (tức 120.000 đồng/triệu/bó – PV).
“Vì gần Tết, nhu cầu đổi tiền tăng nên tôi báo phí theo ngày. Nếu bạn không đổi sớm thì cận Tết, phí đổi còn cao hơn nữa; nhất là năm nay Ngân hàng Nhà nước không phát hành tiền lẻ. Tiền mệnh giá càng thấp càng khan hiếm, ngân hàng không có để cung cấp. Nếu khách không nhất thiết cần tiền mới thì tôi có nguồn tiền “lướt”; không mới như tiền của ngân hàng nhưng cũng không cũ”, anh K.Q cho hay. Anh Q giải thích, tiền “lướt” đa phần đến từ nguồn tiền phúng; viếng của người dân ở các cơ sở thờ tự, sau đó quay ngược ra thị trường.
Tấp nập dịch vụ đổi tiền lẻ “chợ mạng”
Bảng quảng cáo dịch vụ đổi tiền của anh K.Q.
Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới cũng rất sôi động, nhộn nhịp trên “chợ mạng” với đủ mọi phương thức. Chỉ cần một cú nhấp chuột với từ khóa “đổi tiền” trên mạng xã hội thì ngay lập tức xuất hiện hàng chục trang đổi tiền lẻ; với đủ các loại tên gọi.
Theo quảng cáo của giới “buôn tiền”, khách chỉ cần báo số lượng, muốn đổi bao nhiêu cũng có. Hơn nữa, “thượng đế” chỉ cần ngồi ở nhà, bấm điện thoại là sẽ có người đến tận nơi đổi trả, phục vụ tận tình.
Ghi nhận của PV, phí đổi tiền lẻ sẽ phụ thuộc vào từng mệnh giá. Như các loại tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, mức phí dao động từ 13 – 15%; loại 10.000 đồng, 20.000 đồng, mức phí là 6 – 8%; còn với 50.000 đồng, 100.000 đồng thì chịu phí 3 – 5%. Cũng do nguồn tiền lẻ, tiền mới khan hiếm nên một số địa chỉ nhận đổi cả tiền “lướt”; với độ mới đạt 80-90% và có mức phí thấp hơn tiền mới.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 44/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Trong đó, yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường phát hiện và xử lý các hành vi đổi tiền lẻ trái quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết; hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch là hành vi trái pháp luật. Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ; và ngân hàng quy định hành vi này sẽ bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 20 triệu đồng. Cụ thể, điểm a, khoản 5; Điều 30 Nghị định 96/2014/NĐ-CP có nêu: Phạt tiền từ 20 – 40 triệu đồng; đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm; tổ chức vi phạm bị phạt gấp 2 lần.