Tin tức & Sự kiện

27/01/2021

“Cà” thẻ khi mua hàng, làm nào để tránh tiền mất tật mang?

Để sử dụng hình thức thanh toán qua máy POS (Point Of Sale) vừa đảm bảo tiện dụng, vừa quản lý tốt được tài khoản của mình, ngoài việc hỗ trợ các tính năng bảo mật của ngân hàng thì bản thân người sử dụng cũng phải lưu tâm vì lợi ích thiết thân của chính mình trong lúc cà thẻ khi mua hàng.

POS là gì?

POS được viết tắt từ Point Of Sale là thiết bị dùng cho phương thức thanh toán bằng thẻ được sử dụng ở hầu hết tất cả các khách sạn, nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mai, cửa hàng kinh doanh tầm trung trở lên… sử dụng để khách hàng thanh toán các khoản phí dịch vụ bằng thẻ quốc tế hoặc thẻ nội địa.

Máy POS có ưu điểm gọn nhẹ, dễ lắp đặt nhiều nơi, chiếm diện tích nhỏ nhưng lại giúp đỡ rất nhiều trong việc thanh toán chi phí cho khách hàng. Ngày nay, tại các thành phố lớn, mọi người ngày càng ưa chuộng việc sử dụng thẻ để thanh toán qua máy POS.

Hiện nay các thẻ được sử dụng chấp nhận thanh toán máy POS được chia thành 2 loại thẻ: thẻ quốc tế và thẻ nội địa.

Các loại thẻ quốc tế được chấp nhận thanh toán phạm vi trên toàn cầu gồm có: Thẻ Visa (số thẻ bắt đầu bằng số 4), thẻ MasterCard (số thẻ bắt đầu bằng số 5), thẻ JCB (số thẻ bắt đầu bằng số 35), Unionpay (số thẻ bắt đầu bằng số 62), thẻ American Express (số thẻ bắt đầu bằng số 37)

Thẻ nội địa là thẻ ATM của các ngân hàng như BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Techcombank… đều có thể thực hiện thanh toán qua hệ thống máy POS.

Lưu ý khi “cà” thẻ vào hệ thống máy POS trong thanh toán

Nhân viên thu ngân nhận thẻ từ khách hàng đem thẻ đến nơi đặt máy POS cố định hoặc mang theo máy POS cầm tay. Người nhân viên cần xác định loại thẻ của khách là thẻ chip hay thẻ từ.

Nếu là thẻ chip thì sẽ chèn thẻ vào khe đọc thẻ, hướng mặt chip lên trên, giữ thẳng và chèn phần có mặt chip vào. Còn thẻ từ là loại thẻ có vạch đen dài sau lưng thẻ, quẹt thẻ đi theo hướng từ đầu tới cuối khe đọc thẻ.

Máy POS sẽ hiện thông tin tên khách hàng, nhân viên nhập số tiền cần thanh toán và nhờ khách nhập mã PIN. Lưu ý, khi nhập mã PIN, cần lưu ý với nhân viên thu ngân và những người xung quanh, sau đó ký tên xác nhận lên biên lai, hoàn tất quá trình thanh toán.

Chuyên gia về thẻ khuyến cáo, chủ thẻ không nên đưa thẻ cho nhân viên tùy tiện mang đi “cà” nơi khác, vì như vậy chủ thẻ không giám sát được quá trình thanh toán nên có thể thông tin về số thẻ, ngày hết hạn, mã số bí mật phía sau thẻ bị lộ mà không biết.

Như vậy rất nguy hiểm vì chỉ cần những thông tin trên là kẻ gian có thể lợi dụng để thanh toán, mua hàng trên mạng.

“Khi sử dụng thẻ để thanh toán phải quan sát quy trình, tốt nhất đi theo nhân viên để có thể giám sát nhằm tránh những rủi ro có thể xảy ra. Quan trọng nhất là phải yêu cầu cửa hàng phải đưa hóa đơn, kiểm tra kỹ và ký lên hóa đơn đề xác nhận chứng từ gốc.

Nếu cửa hàng thu thêm loại phí gì thì khách hàng phải được thông báo ngay từ đầu. Nếu không thì chủ thẻ có quyền không chấp nhận và yêu cầu hủy. Trường hợp hủy giao dịch phải có hóa đơn hủy”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Có thể trong quá trình thanh toán, nhân viên các cửa hàng sẽ hỏi thêm khách hàng một số thông tin, tuy nhiên lưu ý là khách hàng chỉ nên cung cấp những thông tin nhằm xác minh chủ thẻ, không cung cấp những thông tin khác.

“Cần giữ lại hóa đơn để làm căn cứ yêu cầu tra soát nếu có sự cố xảy ra. Nhiều trường hợp khách hàng rơi vào tình huống nhà hàng nói máy cà thẻ bị trục trặc nên cà đến 3-4 lần.

Trong những tình huống như vậy, khi in ra hóa đơn chủ thẻ nên yêu cầu nhà hàng xác nhận lên hóa đơn là chỉ có một dịch nhằm làm bằng chứng khiếu nại về sau nếu như tài khoản bị trừ tiền nhiều lần”, chuyên gia ngân hàng lưu ý.

Hiện nay trên máy cà thẻ có chức năng hủy và in lại hóa đơn, khác hàng cần biết điều này để có thể yêu cầu in lại hóa đơn. Trường hợp chủ cửa hàng lấy lý do máy hư thì chủ thẻ có thể gọi điện đến NH để kiểm tra và xác nhận chỉ có một giao dịch.

Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, Eximbank cho biết, tội phạm công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp, do vậy chủ thẻ cần chú ý đảm bảo an toàn và tránh các rủi ro phát sinh trong quá trình sử dụng, thanh toán qua thẻ.

Cụ thể, ngân hàng này khuyến nghị khách hàng không cho phép đơn vị chấp nhận thẻ quẹt thẻ ATM qua bất kỳ thiết bị nào khác máy POS và luôn giám sát trong quá trình thực hiện giao dịch.

Trước đó, Ngân hàng Sacombank cũng lưu ý người dùng bảo mật thông tin thẻ khi giao dịch trực tuyến trên website hay mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber…

Trên đây là những lưu ý khi cà thẻ mua hàng mà Trường Foods gửi đến quý vị. Mong rằng quý vị sẽ có kinh nghiệm trong việc cà thẻ mua hàng an toàn, đảm bảo quyền lợi của mình.

4.3/5 - (3 bình chọn)