Hoạt động thương hiệu

05/04/2023

TRƯỜNG FOODS ĐƯA ĐẶC SẢN THỊT CHUA VƯỢT LŨY TRE LÀNG

Thịt chua – món đặc sản trở thành nét đẹp văn hóa ẩm thực của bà con đồng bào dân tộc Mường. Nhưng để phân phối món đặc sản ở số lượng lớn đòi hỏi nỗ lực không nhỏ của Trường Foods.

Nguồn gốc món thịt chua

Món thịt chua, hay còn gọi là thịt muối chua. Không ai biết món ăn có từ bao giờ, chỉ biết nó được sử dụng như một cách dự trữ thịt vào các dịp lễ tết hoặc trong các chuyến đi xa, khi không có thức ăn tươi ngon. Những lần đói kém, khó khăn trong cuộc sống đã khiến con người phải nghĩ ra cách bảo quản thực phẩm để sử dụng lâu dài.

Từ đó, món ăn dần đi vào đời sống sinh hoạt và trở thành nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Mường. Hiện nay tuy đời sống sinh hoạt đã phát triển, nhưng món thịt chua vẫn là một phần không thể thiếu của người dân nơi đây. Những năm trở lại đây, nhờ Trường Foods món đặc sản còn được sản xuất và tiêu thụ trên khắp các vùng miền của đất nước.

Những nguyên liệu chính của món thịt chua

Món đặc sản gồm những nguyên liệu đơn giản như chính tính cách chân phương của con người nơi đây với chủ yếu là thịt lợn và thính ngô. Nhưng cách chế biến thì không hề dễ thực hiện.

Chị Thu Hoa – CEO Thương hiệu Thịt chua Trường Foods chia sẻ: “Làm ra thính để làm thịt chua rất đơn giản nhưng quan trọng là kĩ thuật và kinh nghiệm của người thực hiện. Nếu không thịt sẽ bị đắng hoặc ngai ngái..”.

Thịt lợn và thính ngô sẽ được trộn đều với nhau với một tỉ lệ phù hợp sau quá trình thử nghiệm nếu không thịt sẽ bị khô hoặc ướt ngoài ý muốn. Sau đó, những miếng thịt tươi ngon; phủ đầy thính sẽ được nén chặt vào ống nứa. Bước cuối cùng, mất thời gian nhiều nhất chính là chờ đợi. Thịt sau 2-3 ngày được ướp trong ống nứa sẽ sẵn sàng chờ bạn thưởng thức.


Thịt chua Trường Foods và những khó khăn khi khởi nghiệp

  • Khó khăn khi sản xuất số lượng lớn

Khi mới học làm món thịt chua được truyền lại từ gia đình nhà chồng, chị Nguyễn Thị Thu Hoa cho biết, thời điểm đó tại Phú Thọ còn ít người biết đến món ăn truyền thống này của người Mường. Các cơ sở sản xuất Thịt Chua tại Phú Thọ khi đó đều sản xuất thủ công với mô hình gia đình nên sản lượng rất ít và chỉ bán được khoảng 20-30 hộp/ngày.

Sau khi nắm được cách làm truyền thống với số lượng nhỏ, chị Hoa đã gặp rất nhiều khó khăn ở giai đoạn tiếp theo. Công thức truyền thống chỉ có hiệu quả ở số lượng nhỏ để đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng ngày. Nên việc tìm tòi công thức mới để sản xuất số lượng lớn đáp ứng mục đích kinh doanh – thương mại lấy đi của chị Hoa rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cũng như mồ hôi, nước mắt.

Trong một lần thử nghiệm số lượng lớn, Hoa quyết định mua 15 kg thịt về thử nghiệm. Hoa ủ thịt trong thùng xốp, cứ 1,2 giờ đồng hồ lại kiểm tra, căn chỉnh nhiệt. Sau hơn 1 ngày thức canh, vì quá mệt nên cô ngủ quên mất, thịt bị quá nhiệt, hỏng. “Nhìn đống thịt hỏng, 4 giờ sáng tôi bật khóc tu tu, vừa tiếc của, tiếc tiền, vừa tự trách mình”, Hoa kể.

 

  • Khó khăn trong cách bảo quản Thịt Chua

Sau khi thành công trong việc tìm ra công thức sản xuất hàng loạt, CEO Trường Foods khi đó lại gặp phải một thử thách còn khó khăn hơn nữa. Dù đã sản xuất được thịt chua với hương vị truyền thống ở số lượng lớn hơn, nhưng khi phân phối, sản phẩm chỉ có hạn sử dụng trong 7-10 ngày. Điều này khiến các nhà phân phối e ngại khi nhập hàng và khó khăn trong việc phân phối. Nhờ mày mò nghiên cứu, cuối cùng chị Hoa đã tìm ra công thức bảo quản món thịt chua trong vòng 2 tháng mà hoàn toàn không cần dùng đến chất bảo quản.

Tổng cộng sau gần 2 năm kiên trì thử sai, bỏ đi không biết bao nhiêu thịt, cuối cùng Hoa tìm ra công thức chuẩn chế biến thịt chua. Chất lượng sản phẩm ổn định, khách hàng tìm đến ngày càng đông, những đại lý phân phối cũng tìm đến

Xây dựng thương hiệu Thịt chua Trường Foods

Sau thời gian vất vả tìm tòi và nghiên cứu để cho ra công thức sản xuất và bảo quản thịt chua tối ưu, chị Hoa chuyển hướng tập trung vào một khía cạnh hoàn toàn mới – phát triển thương hiệu.

“Khi mới bắt tay vào làm thịt chua, tôi chưa từng nghĩ đến việc phát triển, xây dựng thương hiệu cho món ăn. Nhưng cứ làm nhiều, trăn trở, vật lộn lắm, thịt chua gần như ngấm vào máu. Đi đâu, làm gì tôi cũng nghĩ đến nó”, chị Hoa chia sẻ.

Tháng 6/2015, Công ty Sản xuất và Thương mại Trường Foods được thành lập, chứa đựng khát vọng của cô gái dân tộc Mường là đưa món thịt chua vươn ra khỏi lũy tre làng đến bàn ăn của mọi gia đình Việt. Để có thương hiệu Trường Foods như ngày nay, Hoa đã học hỏi xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, xây dựng chiến dịch marketing… Cô từng bắt xe, ôm từng hộp thịt chua đi giới thiệu sản phẩm: “Tôi bị say xe, mỗi lần đi về đều bơ phờ, mệt mỏi. Gia đình khuyên can tôi không phải vất vả mở rộng thương hiệu làm gì, chỉ cần ở nhà bán thịt chua đủ sống là được rồi. Nhưng khi đã gắn bó với thịt chua rồi tôi không đành lòng thế được. Tôi muốn món ăn này đi đến mọi tỉnh, thành trong cả nước”, Hoa chia sẻ

Rate this post